Tin tức nhân sự 2023: IT được săn tìm, làn sóng sa thải kéo dài

Tổng hợp tin tức nhân sự đáng chú ý giữa năm 2023: IT giỏi được săn tìm nhiều, 8,4 triệu lao động Italy gặp rủi ro vì trí tuệ nhân tạo, Dự báo làn sóng sa thải lao động kéo dài hết năm...

IT giỏi được săn tìm trong 'mùa đông' việc làm

Thị trường tuyển dụng ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn mùa đông ảm đạm khi nhu cầu thấp ở hầu hết lĩnh vực. Nhưng để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, các công ty lại đang gia tăng tìm kiếm những chuyên gia có chuyên môn. Các vị trí được tìm kiếm nhiều là chuyên gia về phát triển phần mềm quản trị doanh nghiệp, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, phát triển trên nền tảng kỹ thuật số và phân tích dữ liệu.

Giới tuyển dụng IT cho hay mặt bằng lương năm nay không giảm, thậm chí có nơi tăng nhẹ, dù tình hình kinh tế khó khăn hơn. Nguyên nhân giúp các IT giỏi dễ thắng trong các cuộc đàm phán "oversales" và giữ mặt bằng lương cao vì độ khan hiếm. 

IT giỏi được săn tìm nhưng không đồng nghĩa lao động ngành công nghệ thông tin nói chung dễ dàng tìm việc. Thực trạng chênh lệch cung - cầu ngày càng lớn dần ra. Theo TopDev, Việt Nam cần 600.000 lập trình viên năm nay và 800.000 vào năm sau, nhưng thị trường thiếu hụt từ 175.000 đến 195.000 nhân sự, bất chấp việc có 57.000 sinh viên ngành phần mềm tốt nghiệp hàng năm.

(Theo báo Thanh Niên)

8,4 triệu lao động Italy gặp rủi ro vì trí tuệ nhân tạo

Đây là số liệu vừa được công bố trong báo cáo của Hiệp hội ngành thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy hôm 24/8. Báo cáo cho biết, “quá trình chuyển đổi công nghệ và tự động hóa sâu sắc sẽ ảnh hưởng đến 36,2% lực lượng lao động” của nước này.

Theo báo cáo trên, các ngành nghề có nguy cơ cao nhất từ trí tuệ nhân tạo “là những ngành có trình độ chuyên môn cao nhất, tức là những ngành có thành phần trí tuệ và hành chính cao, như kỹ thuật viên thông tin và truyền thông, quản lý hành chính và kinh doanh, chuyên gia quản lý và kinh doanh, chuyên gia khoa học và kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính công”. Những công việc ít gặp rủi ro nhất từ AI là công việc có “thành phần thủ công không được tiêu chuẩn hóa”, chẳng hạn như nghệ nhân và thợ thủ công.

Nghiên cứu này nêu bật các cơ hội liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như tối ưu hóa quy trình kinh doanh và triển khai các công nghệ tiên tiến. Khoảng 6,9% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy sử dụng robot, cao hơn mức trung bình 4,6% của châu Âu và cao gần gấp đôi so với 3,5% của Đức. Ngoài ra, 5,3% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Italy sử dụng hệ thống AI, trong khi 13% có kế hoạch đầu tư vào ứng dụng AI trong thời gian tới.

(Theo VTV24)

Dự báo làn sóng sa thải lao động kéo dài hết năm

Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Trong gần 9.560 doanh nghiệp tham gia khảo sát cuối tháng 4 có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp.

Theo Ban IV, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Cùng với cắt giảm nhân lực, gần 30% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm một nửa doanh thu, chỉ khoảng 2,5% đơn vị có chiều hướng tăng.

(Theo VnExpress)

30% người tìm việc muốn lương 10-15 triệu đồng

12,5% người lao động muốn lương 15-21 triệu và gần 9,2% còn lại kỳ vọng lương trên 21 triệu đồng. Xu hướng việc làm được Bộ Lao động Thương binh và xã hội phân tích từ dữ liệu của hơn 20.100 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và hơn 78.000 lao động tìm việc từ tháng 4 đến hết tháng 6.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động Xã hội, đánh giá tỷ lệ lao động mong muốn lương 5-15 triệu đồng giảm nhẹ so với quý trước, song vẫn có gần một nửa số người tìm việc chấp nhận mức 5-10 triệu đồng, chủ yếu lao động giản đơn, tay nghề thấp.

Số người đi tìm việc tăng so với quý trước phần nào phản ánh khó khăn của thị trường, theo ông Toàn. Lao động rơi vào thế bất lợi vì khó thỏa thuận mức lương cao ở cùng một vị trí công việc có quá nhiều người ứng tuyển. Cạnh tranh cao hơn khiến họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn. Tín hiệu tích cực chỉ xuất hiện nếu tỷ lệ lao động mong muốn mức lương trên 10 triệu tăng cao.

(Theo VnExpress)

>> Xem thêm: TRẢ LỜI CÂU HỎI “SẾP CŨ CỦA BẠN LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?”