Tháng 12 hàng năm, LinkedIn thường khảo sát ý kiến của cộng đồng Top Voices (người dùng chia sẻ các nội dung chuyên môn có giá trị cao) cùng các chuyên gia về ý-tưởng-lớn mà họ tin rằng sẽ ảnh hưởng vào năm tiếp theo. Dưới đây là 5 trong số 10 ý tưởng lớn được công bố.
Trong năm 2024, lực lượng lao động có thể sẽ tiếp tục đông đảo. Lạm phát vẫn đang cao, khả năng lãi suất giảm không nhiều, hầu hết mọi người đều chưa tích lũy đủ tiền tiết kiệm cho những “năm tháng vàng” trong đời họ. Điều này có nghĩa rằng nhiều người lớn tuổi trong lực lượng lao động đang trì hoãn hoặc muốn từ bỏ kế hoạch nghỉ hưu của họ bởi những khó khăn về tài chính.
Kenneth Goh, Senior Client Advisor tại UOB cho biết: “Thế hệ hiện tại chuẩn bị nghỉ hưu đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các thế hệ trước đó”. Trong khi đó, Ee Chien Chua, Director tại APAC, chia sẻ sự chuẩn bị sẵn sàng về tài chính là chìa khóa quan trọng cho giai đoạn nghỉ hưu.
Theo tính toán của Employees Provident Fund (EPF), chỉ 4% dân số Malaysia có khả năng nghỉ hưu. Với nhiều người, quỹ nghỉ hưu của họ đang cạn kiệt, trường hợp của người lao động ở Malaysia là một ví dụ, họ đã rút ra sớm 145 tỷ RM từ quỹ lương hưu để ứng phó với những tác động của đại dịch.
Trong khi đó, theo báo cáo Nikkei Asia, do tình trạng thiếu hụt lao động vì dân số già, hơn 40% các công ty ở Nhật Bản đã tuyển dụng những người từ 70 tuổi trở lên trong năm 2022. Một phụ nữ 81 tuổi nói với Nikkei rằng cô rất hạnh phúc khi có thể làm những việc hữu ích vì không muốn bị tụt lại trong xã hội. Theo một cuộc khảo sát khác, tại Singapore, đa số những người từ 50 tuổi trở lên ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu và tái sử dụng lao động.
Xu hướng này có thể ảnh hưởng tích cực đối với lực lượng lao động. Nghiên cứu được đăng trên Harvard Business Review cho thấy rằng các nhóm làm việc gồm nhiều thế hệ, thường sở hữu những kỹ năng khác nhau đồng thời cũng có thể hỗ trợ nhau. Điều này giúp cho việc hợp tác hiệu quả hơn, hiệu suất cũng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, như nghiên cứu viên Megan Gerhardt lưu ý, điều này chỉ xảy ra nếu các thành viên trong nhóm sẵn lòng chia sẻ và học hỏi từ chính những khác biệt của nhau.
Trong năm 2024, chính phủ, công ty và những cá nhân sẽ nói rằng “enough is enough”, đã đến lúc quan tâm đến những giá trị khác. Chúng ta sẽ quan tâm đến cách chính sách kinh tế ảnh hưởng đến các vấn đề quan trọng như cộng đồng, tính sáng tạo, môi trường và niềm hi vọng vào tương lai. Và chúng ta sẽ tích hợp những giá trị này vào phương pháp đánh giá diễn biến của nền kinh tế, bên cạnh chỉ số GDP.
Những nền kinh tế chỉ tập trung vào tăng trưởng đã đưa chúng ta đến bờ vực của sự suy thoái trong hệ thống sinh thái toàn cầu, đồng thời khiến nhiều người phải đối diện với nỗi lo lắng và sự tuyệt vọng. Trong năm 2024, chính phủ, công ty và những cá nhân sẽ nói rằng “enough is enough”, bởi lẽ, đã đến lúc quan tâm đến những giá trị khác.
Châu Á sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP toàn cầu, người lao động ở các nước châu Á, chẳng hạn như Singapore ngày càng ưu tiên cuộc sống bên ngoài công việc. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, vượt qua câu chuyện về mức lương, sự cân bằng cuộc sống và công việc đã trở thành yếu tố chính quyết định sự hạnh phúc tại nơi làm việc của nhân viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Bhutan là một ví dụ sáng giá cho bức tranh trên, Chỉ số Hạnh phúc (Gross National Happiness Index) là điều cực kì quan trọng với quốc gia này trong việc xây dựng chính sách.
Có một chỉ số cũng đáng quan tâm, đó là chỉ số hài lòng với cuộc sống (Better Life Index) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – cung cấp một tiêu chí để đo lường chính xác hơn những gì mà ta thực sự muốn nền kinh tế mang lại. Lợi nhuận không phải là mục tiêu cuối cùng, nó là phương tiện để chúng ta đạt được những mục tiêu lớn hơn, đó có thể là một sức khỏe tốt, những thành tựu trong giáo dục và các cơ hội kinh tế.
Tuy nhiên, việc thay thế chỉ số GDP bằng các chỉ số đo lường khác toàn diện hơn không phải là một quá trình đơn giản. Đâu là những hành động chúng ta có thể thực hiện để xây dựng một nền kinh tế coi trọng giá trị của con người và trái đất?
“Nền kinh tế ngủ” sẽ thức tỉnh
Khi các chủ doanh nghiệp yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc như trước khi đại dịch diễn ra, sự thay đổi đó có thể tạo ra căng thẳng về mặt tinh thần và khó khăn về giấc ngủ, giống như chuyện nhiều nhân viên đã trải qua khi đại dịch bắt đầu.
Thiếu ngủ là một vấn đề quan trọng, đặc biệt là đối với người dân châu Á. Theo một khảo sát của OECD năm 2021, thời gian ngủ trung bình trên toàn cầu là 8 giờ 28 phút. Trong khi đó, thời gian ngủ trung bình của người Nhật là 7 giờ 22 phút – mức thấp nhất trong số 33 quốc gia được khảo sát. Tiếp sau đó Hàn Quốc với 7 giờ 51 phút.
Những người được khảo sát cho biết họ sẽ làm mọi cách để có một giấc ngủ ngon. Hai phần ba du khách đến Singapore muốn chọn những kỳ nghỉ với sự chú trọng vào việc có một giấc ngủ tốt.
Ngày càng nhiều các công ty đang đẩy mạnh “nền kinh tế giấc ngủ” để giải quyết những thách thức. Các công ty này cung cấp mọi thứ, từ thiết bị đeo tay theo dõi chất lượng và số lượng giấc ngủ, đến nệm được trang bị cảm biến có thể điều chỉnh nhiệt độ giường trong suốt cả đêm để mang lại giấc ngủ tốt nhất. Trò chơi Pokemon thậm chí cũng “góp một tay” vào công cuộc này khi cho ra mắt Pokemon Sleep – chỉ số giấc ngủ càng tốt thì người chơi sẽ càng thu thập được nhiều sinh vật.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo cũng sẽ tham gia vào làn sóng chăm sóc giấc ngủ, bởi mọi người ngày càng nhận thấy rõ sự tổn thất về sức khỏe thể chất, tinh thần và cả kinh tế khi phải thức cả đêm để hoàn thành công việc. Chúng ta sẽ thấy các công ty bắt đầu hỗ trợ nhân viên trong việc mua các thiết bị theo dõi giấc ngủ và cung cấp quyền truy cập đến các chuyên gia để nhận hỗ trợ như một phần của các phúc lợi về chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên.
Quan điểm của thế giới kinh doanh về giấc ngủ đang thay đổi, như CEO của Thrive Global, Arianna Huffington, viết trên LinkedIn: "Khi các CEO trong ngành công nghệ thay vì tự hào vì họ ngủ ít thì giờ đây tự hào vì họ ngủ nhiều, đó là một dấu hiệu tuyệt vời về sự thay đổi của thời đại".
Hãy tưởng tượng sự thất vọng khi người tìm việc hy sinh thời gian làm việc và cam kết cho nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng không chắc chắn về việc có được công việc.
Ratna Juita, một huấn luyện viên về thương hiệu cá nhân đến từ Singapore bày tỏ quan điểm: “Các ứng viên tiêu tốn tài nguyên và năng lượng tinh thần của họ trong các buổi phỏng vấn mà không nhận được bất kỳ đền bù nào cho sự cố gắng đã bỏ ra. Sự thiếu công nhận này có thể cản trở những người tài năng theo đuổi cơ hội lý tưởng dành cho họ”.
Theo báo cáo Talent Trends 2021 của Michael Page, 9 trong 10 đáp viên kể về những trải nghiệm khó chịu trong quá trình phỏng vấn. Hơn một nửa trong số họ cho biết những trải nghiệm này sẽ ảnh hưởng đến quyết định chấp thuận của họ khi nhận được một thư mời làm việc.
Theo báo cáo của Michael Page, khi cuộc cạnh tranh để “giành” lấy những ứng viên tài năng nhất trở nên khốc liệt hơn, các tổ chức đang chuyển đổi phương pháp và tập trung vào trải nghiệm của ứng viên để tạo ấn tượng tích cực.
Khi cuộc cạnh tranh để “giành” lấy những ứng viên tài năng nhất trở nên khốc liệt hơn, các tổ chức dần tập trung vào trải nghiệm của ứng viên để tạo ấn tượng tích cực.
Nguồn: Getty Images
Benjamin Loh – một chủ doanh nghiệp và diễn giả chuyên nghiệp đến từ Singapore đang trả tiền cho các ứng viên tham gia phỏng vấn. Công ty Top of Mind của ông tổ chức những buổi phỏng vấn có thù lao cho các vị trí sáng tạo. Một ứng viên đã nói với ông rằng anh cảm thấy công việc sáng tạo của mình được đánh giá cao. “Một giá trị về tiền bạc (thậm chí là một giá trị khiêm tốn hơn) có thể mang lại lợi ích cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Nếu được triển khai, có lẽ đây là quyết định tốt nhất mà doanh nghiệp có thể đưa ra trong năm 2024”.
Juita cho biết rằng bằng cách làm như vậy, các công ty có thể phát triển quy trình tuyển dụng với sự tôn trọng và cảm thông. Từ đó củng cố giá trị bản thân của ứng viên và cuối cùng là thu hút những tài năng phù hợp nhất với nhu cầu của họ.
Chuen Chuen Yeo, một HLV nghề nghiệp đến từ Singapore chia sẻ: “Đền bù cho những ứng viên đủ điều kiện thể hiện bạn tôn trọng thời gian của họ. Khi bạn mở rộng đội ngũ ứng viên có sự nhiệt huyết và sẵn sàng làm việc, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy người lý tưởng dành cho mình”.
“Nó cũng sẽ khuyến khích các nhà tuyển dụng trở nên tinh tế hơn, cân nhắc hơn để đặt ra những câu hỏi đúng”, bà nói thêm.
Trước đây, mọi người tập trung vào ống hút. Bây giờ, có lẽ sẽ đến lượt những chiếc cốc?
Trong năm 2024, dự kiến sẽ có một số lượng ngày càng tăng các chính phủ và quán cà phê áp dụng phụ phí cho cốc sử dụng một lần nhằm chống lại tác động có hại đến môi trường và gây lãng phí.
Hàn Quốc dường như đang ở vị trí tiên phong trong xu hướng này. Tháng 12/2022, hai khu vực Sejong và Jeju đã yêu cầu một khoản phụ phí là 300 won (25 cent Mỹ) cho mỗi món đồ uống dành cho người mua mang về trong cốc mang đi. Phí này có thể được hoàn trả khi người mua trả lại cốc để tái chế. Seoul dự kiến sẽ làm tương tự và Starbucks cũng có kế hoạch ngừng sử dụng cốc sử dụng một lần vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn sự do dự trong việc triển khai toàn diện.
Trên khắp thế giới, hàng tỷ những chiếc cốc bị vứt đi mỗi năm và rất ít trong đó thực sự có thể tái chế. Mỗi năm, chỉ riêng ở Nhật Bản, có hơn 3,9 tỷ chiếc cốc bị vứt đi, trong khi Hong Kong gửi 400 triệu cốc cà phê sử dụng một lần đến bãi rác.
Hà Lan và một số khu vực của Úc đang chuyển sang việc cấm toàn bộ cốc sử dụng một lần, tương tự với cốc nhựa. Trong khi đó, tại châu Á, Starbucks và một số chuỗi cà phê địa phương đã áp dụng chính sách giảm giá cho những người mang theo cốc riêng khi mua sản phẩm, khuyến khích việc sử dụng cốc có thể tái sử dụng.
Trên đây là 5 “big idea” trong số 10 “big idea” được LinkedIn công bố. Tất nhiên vẫn chưa phải danh sách đầy đủ, những khả năng khác vẫn có thể xảy ra. Do đó, nếu bạn có quan điểm khác về xu hướng tác động lớn vào năm 2024, hãy chia sẻ với Career Box bằng cách bình luận phía dưới bài viết nhé!