Bật mí cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn phổ biến

Thay vì lo lắng và “cầu may” cho buổi phỏng vấn xin việc sắp tới, hãy cùng RBox điểm qua cách trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến để bạn tự tin chinh phục công việc mơ ước.


Sau khi đã qua được vòng loại CV, vòng phỏng vấn xin việc chính là cơ hội tuyệt vời để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng tuyển bạn vào vị trí mà bạn mong muốn. Vậy nên, hãy đảm bảo rằng bạn có sự chuẩn bị chỉn chu từ trước để buổi phỏng vấn được diễn ra suôn sẻ. 

5 câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến

Dưới đây là 5 câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến và các gợi ý trả lời mà bạn không thể bỏ qua. Hãy tìm hiểu cùng RBox nhé!

1. “Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình?” 

Đây là câu hỏi mở đầu mà hầu hết các buổi phỏng vấn tuyển dụng đều có. 

Phần lớn ứng viên khi nhận được câu hỏi này lại trả lời theo cảm tính và thiếu trọng tâm bởi họ nghĩ rằng đây chỉ là câu hỏi giúp làm nóng buổi phỏng vấn. Nhưng trên thực tế, rất nhiều ứng viên đã hoàn toàn mất điểm với nhà tuyển dụng ngay từ câu hỏi phỏng vấn đầu tiên vì phần trả lời thiếu sự chuẩn bị. 

Mục đích của nhà tuyển dụng khi đưa ra câu hỏi này là nhằm nắm được những điểm nổi bật của ứng viên, cũng như quan sát thái độ và mức độ tự tin của ứng viên đó.

Do đó, bạn có thể trả lời câu hỏi phỏng vấn trên bằng cách đưa vào một số thành tích nổi bật mà bạn đã đạt được từ công việc, học tập với số liệu hoặc dẫn chứng cụ thể. Đồng thời bạn cũng nên cân đối câu trả lời sao cho ngắn gọn và đúng trọng tâm nhất bởi nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian cho một câu trả lời dài dòng lan man.

2. “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?”

Tại buổi phỏng vấn xin việc, mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt ra câu hỏi này là để xác định lý do mà bạn rời bỏ công ty cũ có chính đáng hay không, qua đó đánh giá xem liệu bạn có phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc tại công ty họ không.

Rất nhiều ứng viên trong buổi phỏng vấn xin việc đã trả lời câu hỏi này bằng cách “trung thực” nói ra những điều bất mãn đối với sếp, đồng nghiệp hoặc chính sách tại công ty cũ. Và hiển nhiên, cách trả lời này dễ khiến ứng viên đó mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, bởi nó khiến nhà tuyển dụng phải đặt ra câu hỏi trong đầu rằng: “Nếu người này không tiếp tục gắn bó với công ty nữa, thì liệu công ty có trở thành “mục tiêu” tiếp theo trong danh sách “kể tội” công sở của họ không?

Trung thực là một đức tính tốt, tuy nhiên khi đã bước vào buổi phỏng vấn tuyển dụng, bạn nên trung thực một cách có chọn lọc. Dù bạn có cảm thấy bất mãn với công ty cũ đến đâu, thì cũng hãy trả lời câu hỏi này một cách khéo léo nhất. 

Thay vì vạch tội công ty cũ, bạn có thể trả lời là: “Tôi muốn tìm một cơ hội mới để phát triển kỹ năng và bản thân của mình”.

3. “Vì sao bạn lại muốn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?”

Khi gặp câu hỏi này trong buổi phỏng vấn xin việc, nếu bạn trả lời theo hướng “Vì em đang cần việc và vô tình thấy tin tuyển dụng của công ty” hoặc “Vì em được bạn/anh/chị giới thiệu” thì bạn đã nằm trong danh sách 90% ứng viên bị nhà tuyển dụng đánh trượt. 

Lý do đơn giản là bởi khi tuyển dụng, doanh nghiệp cần tìm những nhân tài có định hướng phát triển phù hợp để cùng họ phát triển công việc kinh doanh chứ không phải một người có định hướng không rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp.

Do đó, khi được hỏi: “Vì sao bạn lại muốn ứng tuyển công ty chúng tôi?” thì tốt hơn hết là bạn nên đưa ra câu trả lời theo hướng “win-win”, tức là vừa có lợi cho bạn và vừa có lợi cho công ty. Bạn có thể dẫn chứng những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và cả tính cách của bạn để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp với vị trí công việc và văn hóa công ty họ.

4. “Bạn cảm thấy như thế nào nếu phải làm thêm giờ?”

Để lấy lòng nhà tuyển dụng, có rất nhiều ứng viên trả lời câu hỏi này là: “Tôi không ngại” hoặc “Tôi sẵn sàng” với thái độ đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên trái với kỳ vọng ban đầu, cách lời này lại khiến nhà tuyển dụng không thực sự đánh giá cao ứng viên đó.

Điều này cũng dễ hiểu bởi khi nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này, họ đã cho bạn một cơ hội để thể hiện quyền lao động và quyền mưu cầu cân bằng cuộc sống – công việc đấy! Vậy nên, hãy tận dụng điều đó và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy chính kiến của bạn bằng một vài cách trả lời sau:

“Tôi không bận tâm việc làm thêm giờ, miễn là nó không ảnh hưởng đến quá nhiều cuộc sống cá nhân của tôi”

“Nếu phải làm thêm giờ, tôi sẽ xem liệu việc đó có cấp thiết không trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình”

“Công ty có chính sách hỗ trợ cho việc làm thêm giờ không, cụ thể là như thế nào?

5. “Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới là gì?”

Đây chính là câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá về tầm nhìn cũng như năng lực cầu tiến của bạn. Vì vậy bạn cần tuyệt đối tránh trả lời qua loa rằng “Tôi không biết” hoặc “Tôi muốn thăng tiến lên vị trí có mức lương cao hơn”.

Cách hay nhất để bạn trả lời câu hỏi phỏng vấn này là hãy cho nhà tuyển dụng thấy được vị trí mà bạn đang ứng tuyển nằm trong kế hoạch phát triển nghề nghiệp của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn cao hơn nếu bạn thể hiện được rằng những nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu của bạn sẽ mang lại đóng góp vào lợi ích chung cho công ty.

>> Xem thêm: Nhà tuyển dụng quan tâm điều gì khi xem CV của bạn

>> Xem thêm: Thế nào là mức lương cạnh tranh trong tuyển dụng?

Theo HR Insider