Viết CV, một việc tưởng khó mà dễ. Với tần suất đổi việc trung bình 1-2 năm hiện nay, chắc chẳn bạn phải cập nhật CV liên tục để đón đầu chuyện du học, những công việc xịn xò, hay đơn giản để tăng lương nghìn đô.
Với kinh nghiệm vào được những công ty lớn như Microsoft, Boston Consulting Group, và qua được vòng gửi xe của Google và Facebook (nhưng rớt vòng cuối), mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm và bí kíp để có một CV hoàn hảo.
Có khá nhiều format CV trên mạng bạn có thể lựa chọn, format màu có thanh sidebar, format có hình, nhưng format tôi thích nhất là format CV 1 trang không hình. Đây là format kiểu Mỹ, gọn nhẹ, và thuộc phong cách chống phân biệt ứng viên (giới tính, sắc tộc, độ tuổi), CV này phù hợp với đa số công việc văn phòng hiện nay. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào nguồn gốc công ty hay đặc tính công việc bạn có thể lựa chọn khác.
Công ty châu Âu thích CV dài tận 2-3 trang và có mặt ứng viên. Hoặc các công việc yêu cầu ngoại hình (sale, dù không nói ra) thì việc để mặt cũng là một ý tưởng tốt. Các công việc về thiết kế thì đương nhiên sẽ cần portfolio đi kèm hơn là các nội dung chữ viết dài dòng.
Ví dụ cho format CV cá nhân như sau:
Đương nhiên nên là hình formal, chuyên nghiệp và cười tươi rạng rỡ (Đừng lấy hình thẻ nhé).
Tên, điện thoại, email, thành phố bạn ở. Ngày tháng năm sinh có thể có hoặc không, theo cá nhân mình là không, chỉ là quan điểm cá nhân rằng các thông tin này không liên quan đến việc ứng tuyển công việc.
Bạn là ai, bạn muốn trở thành một người như thế nào. Dòng này thể hiện key selling point và mục tiêu nghề nghiệp của bạn, là một lưới lọc quan trọng cho nhà tuyển dụng nhận định chuyên môn và mục tiêu của bạn có phù hợp với công viêc và công ty hay không. Ví dụ như:
– Marketer muốn trở thành Brand Manager trong vòng 5 năm.
– Kỹ sư phần mềm chuyên lập trình game iOS
– Data Analyst muốn trở thành một full-package Data Scientist trong 5 năm.
– Chuyên viên bán hàng B2B mong muốn trở thành quản lí trong 3 năm
– Chuyên dịch thuật tiếng Trung với kĩ năng chuyên về xuất nhập khẩu.
Tên trường – Bằng cấp – Chuyên môn – Thời gian tốt nghiệp – Loại tốt nghiệp (chỉ nêu nếu tốt nghiệp loại ưu, nếu không thôi)
Học vấn cao nhất từ Đại học trở lên. Các khóa học khác, nhưng lưu ý chỉ là những khóa học chuyên môn cao, khoảng từ 6 tháng trở lên. Các khóa kỹ năng nhỏ như Ngoại ngữ, Photoshop, Google Analytics tool, v.v… tốt nhất nên được thể hiện trong phần Kỹ năng.
Note: Các bạn mới ra trường hoặc vừa du học cao học/MBA về thì sẽ để Education trước. Các bạn làm 3-4 năm trở lên thì nên để Experience lên trước, mình thuộc tuýp này.
Phần này chắc chắn sẽ là quan trọng nhất
A. Mốc thời gian
Cố gắng ghi rõ mốc thời gian đến mức độ tháng cho từng công việc.
B. Tên công ty. Công ty lớn thì không cần, nếu đó là một công ty nhỏ thì sẽ phải cần mô tả ngắn. Vd ABC – Startup về game di động. XYZ – công ty xuất nhập khẩu hàng may mặc chuyên thị trường Trung Đông. Định nghĩa quy mô công ty lớn và nhỏ là tương đối, nhưng bạn cứ nghĩ là nếu bạn là nhà tuyển dụng thì sẽ biết công ty đó là công ty nào hay không.
Lưu ý. Kinh nghiệm làm việc tính là công việc được trả lương hoặc thực tập không lương ngắn hạn. Đối với sinh viên mới ra trường, có thể cân nhắc lấy việc làm việc tại câu lạc bộ là kinh nghiệm làm việc (chủ tịch, phó chủ tịch ít nhất), tuy nhiên sau khi đi làm tầm 3 năm cũng nên cân nhắc bỏ chúng ra khỏi kinh nghiệm làm việc và chỉ nên ở phần “Kinh nghiệm khác”.
C. Vị trí – Phòng ban
Cần nêu rõ vị trí công việc. Chức vụ nào. Phòng ban nào. Nếu là nhiều vị trí khác nhau với công việc khác nhau thì cân nhắc tách ra làm 2 đoạn khác nhau. Nếu là thăng chức trong cùng một phòng ban thì có thể ghi kinh nghiệm cao nhất, không cần chi li ghi thực tập 3 tháng, nhân viên 1 năm, nhân viên cao cấp 1.5 năm làm gì.
D. Mô tả công việc.
Đây là phần quan trọng nhất của CV nên sẽ cần chú ý quan trọng bậc nhất.
– Giới hạn tối đa 3-4 dòng/ công việc. Việc này chắc chắn khó khăn, tuy nhiên là cốt yếu cho việc cô đọng công việc của mình dễ dàng cho nhà tuyển dụng đọc thông tin.
– Kết quả là tối quan trọng để thể hiện khả năng của bạn. Tốt nhất là bằng số. Vd như doanh số, thị phần, số khách hàng mới, số khách hàng đang quản lý, số hiệu quả chiến dịch marketing, số người dự event, KPI nội bộ công ty, đánh giá cá nhân cuối năm, thành tích giải thưởng đội nhóm, gia tăng về team nếu là vị trí quản lý, hoặc kết quả định tính nếu không có nhưng con số cụ thể.
– Dùng cấu trúc “RESULT-ACTION-SCOPE” cho mỗi gạch đầu dòng công việc. Theo thói quen, chúng ta thường mô tả mình làm dự án gì, cụ thể làm chi, sau đó mới tới kết quả. Tuy nhiên để thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, kết quả bằng tiền, bằng % thu hút hơn.
Thay vì: Trong dự án X, tôi làm A, B, C, D và tạo ra $200,000
Nên: Tạo ra $200,000 bằng các việc A, B, C, D trong dự án X
– Bắt đầu bằng động từ. Mình khuyến nghị dùng thì quá khứ (kinh nghiệm đã diễn ra trong quá khứ). Chú ý và những động từ thể hiện tính chuyên môn cao và cụ thể như “design strategy”, “design website” hay “manage FB fanpage”, “cold-call and conduct sales meeting with new client”. Nếu được sử dụng giống những từ ngữ trong phần job description của nhà tuyển dụng (nhà tuyển dụng tiềm năng, nếu bạn đang thiết kế một CV chung), vì nhìn chung nhà tuyển dụng tìm những ứng viên làm được đúng những việc mà vị trí yêu cầu.
– Tránh những từ chung chung hay công việc “ít giá trị” như “support”/ “participate”.
Như mình là người đi làm được 5 năm, nên các kinh nghiệm Tình nguyện ở trường đại học, kỹ năng, giải thưởng, sở thích đều cho hết vào một mục Others.
Các bạn sinh viên mới ra trường có thể tách ra, nhưng sau khi làm được 3 năm cũng nên tinh giản bớt và tập trung vào kinh nghiệm làm việc là chính.
A. Hoạt động xã hội/ Social experiences: Thời gian – Công ty/Tổ chức – Vị trí
Các kinh nghiệm hoạt động câu lạc bộ, giải thưởng, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội bên ngoài công việc đều có thể liệt kê trong phần này. Lưu ý càng phát triển lên có thể bỏ dần dần bớt danh sách dài dằng dặc những hoạt động xã hội thời sinh viên, đặc biệt là các hoạt động chỉ dưới dạng “tham gia”, chỉ nên giữ lại những hoạt động mà mình là vai trò lãnh đạo mà thôi.
B. Kỹ năng/ Professional skills
Ngôn ngữ: liệt kê các ngôn ngữ và bằng cấp liên quan, nếu không có bằng cấp thì có thể tự đánh giá ở các mức độ Basic, Intermediate & Advanced. Các công ty thực ra dạo này cũng không quá câu nệ bằng cấp, miễn sao khi phỏng vấn trả lời được bằng ngoại ngữ đó, hoặc họ sẽ có thể có một số bài test viết nếu ngoại ngữ là một yêu cầu quan trọng của công việc. Không cần phải chia nhỏ kỹ năng nghe nói đọc viết.
Kỹ năng cứng. Phần này chỉ bao gồm kỹ năng “cứng”. Kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, bán hàng đều phải thể hiện trong kinh nghiệm làm việc. Ví dụ về kỹ năng cứng là:
– Máy tính cơ bản: Word, Excel, Power Point.
– Lập trình: C#,C++, Java, PHP, Python, R,…
– Marketing: Facebook Analytics, Google Analytics, AdWord,…
– Thiết kế/quay phim: Photoshop, Premiere, Corel, Illustrator, AutoCad,…
– Ngoài ra những kỹ năng sử dụng máy ảnh, máy quay phim, hay các kỹ năng chuyên môn khác mà mình không quen thuộc chưa liệt kê ra ở đây.
C. Cá nhân/Personal (Optional)
Nếu bạn có một sở thích cá nhân nào đó đặc biệt muốn chia sẻ, có thể cân nhắc ghi rõ têm ở đây. Mà nói thật nếu sở thích bạn thuộc dạng mainstream (giống mình), kiểu: du lịch, đọc sách, nghe nhạc. Thì cũng chẳng nên cho vào làm gì. Cái gì mà khiến mình nổi bật kiểu “nuôi ong”, “leo núi”, “nhảy dù”, “sưu tập tem”, kiểu đọc vào thấy woahh, muốn hỏi thêm thì hãy cho vào.
– Show don’t tell. Mình thấy có một số bạn để những kỹ năng keyword như “Lãnh đạo”, “Làm việc cá nhân”, “Làm việc đội nhóm”, “Kỹ năng giao tiếp”, “Kỹ năng thuyết trình” sau đó để 5 sao, 4 sao ở phía sau. Mình nghĩ rất là thừa. Tất cả những kĩ năng này nên được thể hiện ngày trong phần mô tả công việc của bạn rồi.
Vd. Thay vì nói “Lãnh đạo” – 5 sao thì nên nói “Chủ tịch câu lạc bộ X quy mô 50 người đạt được…”
Vd. Thay vì nói Kỹ năng thuyết trình, thì nên nói “Giải 1 cuộc thi thuyết trình”, “Thực hiện 20+ bài thuyết trình báo cáo cho khách hàng”.
Chỉ nên áp dụng format này nếu các kỹ năng chuyên dụng (phần mềm, ngôn ngữ lập trình) là quan trọng.
– Người liên hệ theo mình nghĩa là thông tin không cần (again, trừ CV châu Âu).
– Tính cách cũng không cần trong CV.
– Sử dụng từ trong CV rất quan trọng, có một số từ powerful hơn từ khác, các bạn nên lên thesauruscom để tìm các từ đồng nghĩa nhằm nhấn mạnh hơn các ý trong mô tả công việc, đặc biệt là động từ đầu tiên.
Cre: Le Minh Dao