Im lặng khi đồng nghiệp cướp công?

Khi bị đồng nghiệp chiếm đoạt công sức và thành quả lao động, không ít người cảm thấy chán nản, mất động lực làm việc. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân mà còn khiến bầu không khí công sở trở nên căng thẳng, độc hại, làm tổn hại đến tinh thần đoàn kết trong tập thể.

Lợi dụng công sức của người khác, đánh cắp ý tưởng, hay “nhận vơ” thành quả không phải do mình tạo ra... Đối mặt với những đồng nghiệp như vậy, chúng ta nên im lặng cho qua hay thẳng thắn đối đầu?

Trong một khảo sát nhỏ với 10 người lao động dưới 35 tuổi, 70% cho biết họ đã từng chọn cách im lặng khi bị cướp công vì muốn giữ hòa khí. Trong khi đó, 30% còn lại sẵn sàng lên tiếng và báo cáo với cấp trên để đòi lại công bằng.

Chiêu trò cướp công trắng trợn
Anh Nguyễn Trung Nghĩa (25 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên một công ty công nghệ, chia sẻ rằng trong môi trường làm việc, những nhân viên trẻ, mới bắt đầu như anh thường rơi vào tình huống bị đồng nghiệp có thâm niên "ăn cắp công" một cách trắng trợn.

“Lúc mới đi làm, tôi cũng nhiều lần cảm thấy bức xúc khi bị đồng nghiệp lâu năm chiếm đoạt công sức. Nguyên nhân có thể là tôi còn trẻ, ít kinh nghiệm và chưa có tiếng nói trong nhóm. Có lần, tôi đã chia sẻ ý tưởng về một sự kiện sẽ trình bày với sếp trong buổi họp đầu tuần, nhưng không ngờ chị đồng nghiệp kia đã dùng ý tưởng đó, chỉ thay đổi một chút và đề xuất làm. Tệ hơn nữa là chị ấy rủ người khác tham gia, gạt tôi ra khỏi sự kiện,” anh Nghĩa kể lại.

Anh Nghĩa cho biết cảm thấy vô cùng khó chịu và bực bội khi công sức của mình bị ăn cắp. “Tôi có đến hỏi chuyện, nhưng chị ấy lại chối cãi và nói rằng ý tưởng đó chị đã có từ trước, còn cố gắng chỉ ra những điểm khác biệt trong ý tưởng của mình. Tôi thật sự thất vọng vì mình đã quá tin tưởng sai người,” anh chia sẻ thêm.

Anh cũng cho rằng hành vi cướp công thường xuất phát từ sự đố kỵ, lòng tham và nỗi lo sợ bị "mất chỗ". Khi có người mới vào, nhiều đồng nghiệp lâu năm thường lo lắng vị trí của mình sẽ bị đe dọa nếu người mới thể hiện tốt và có thành tích nổi bật.

Làm gì khi bị đồng nghiệp "nẫng tay trên"?
Chị Phương Vy (24 tuổi, Q. Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên một công ty truyền thông, cho rằng trong trường hợp bị đồng nghiệp cướp công, điều quan trọng là giữ bình tĩnh. “Đừng để cảm xúc giận dữ lấn át lý trí. Tranh cãi ầm ĩ hay gây hấn suốt ngày chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, nếu không thể giải quyết vấn đề trực tiếp, hãy nhờ sự can thiệp của cấp trên,” chị Vy chia sẻ.

Cũng đồng quan điểm này, anh Thiện, đại diện nhân sự tại một công ty thương mại dịch vụ ở TP.HCM, cho rằng khi bị cướp công, việc xử lý một cách bình tĩnh và thông minh là rất quan trọng. “Nếu bạn muốn làm rõ sự việc, ít nhất bạn cần có bằng chứng cụ thể để chứng minh việc đó. Cấp trên sẽ không thể đưa ra quyết định công bằng nếu không có cơ sở,” anh Thiện nói thêm.

Anh cũng nhấn mạnh, khi làm việc trong một môi trường có nhiều đồng nghiệp, khó tránh khỏi mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu bị cướp công, không nên tuyệt vọng. Người thật sự có năng lực sẽ luôn có cách để thể hiện và chứng minh giá trị của mình. Cách tốt nhất để ghi dấu ấn và nhận sự công nhận từ sếp và đồng nghiệp là tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt công việc và đóng góp thiết thực cho công ty. Đừng để những hành vi không công bằng làm ảnh hưởng đến bản thân mình.

Xem thêm: Shift Shock: Nguyên nhân khiến Gen Z rời bỏ công việc và cách HR cần ứng phó