Xu hướng "thầm lặng" chốn công sở

“Thầm lặng” (quiet) dường như là một xu hướng khá phổ biến chốn công sở trong năm nay.

Làm việc "cầm chừng" (quiet quitting), tuyển dụng "thầm lặng" (quiet hiring) và "âm thầm" sa thải (quiet firing) tạo nên xu hướng trong cái cách mà người lao động và nhà quản trị tiếp tục thích nghi với những thay đổi của công việc trong thời gian sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và đi qua.

Giới chuyên gia tin rằng những xu hướng “thầm lặng” này sẽ tiếp diễn cho đến hết năm nay và cả những năm sau đó.

TUYỂN DỤNG "THẦM LẶNG"

Theo các chuyên gia nhân sự, tuyển dụng "thầm lặng" là việc đảo nhân viên vào các vị trí công việc mới trong cùng một công ty

Tuyển dụng "thầm lặng" trở thành một xu hướng công sở trong năm 2023 một phần vì tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đây có thể là một chiến lược “đi vòng” khi muốn sa thải nhân viên, hay nó cũng có thể xảy ra khi công ty nhận thấy năng lực của nhân viên đang bị lãng phí.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng dù xu hướng trên có thể đem lại nhiều lợi ích, như giúp nhân viên học thêm nhiều kỹ năng, chuyên môn mới, nhưng nhiều người vẫn có thể cảm thấy không hài lòng với sự thay đổi này.

Một cuộc khảo sát của Monster cho thấy một nửa số người bị ảnh hưởng bởi tuyển dụng "thầm lặng" đang đảm nhiệm những vị trí công việc không thực sự phù hợp với kỹ năng của họ. Và điều này có thể khiến người lao động tham gia vào làn sóng bỏ việc hàng hoạt (Great Resignation).

LÀM VIỆC "CẦM CHỪNG"

Làm việc "cầm chừng" là khi nhân viên chỉ hoàn thành những yêu cầu tối thiểu trong công việc của họ. Đây là một xu hướng khá nổi bật trong năm ngoái, theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu việc làm và tiền lương Payscale, xu hướng này vẫn chưa chấm dứt.

Nguyên nhân khiến một người không muốn làm nhiều hơn nhiệm vụ tối thiểu của họ có thể do mức lạm phát cao hơn 6% ở nhiều nơi hiện nay.

Theo các chuyên gia cấp cao của nền tảng đánh giá hoạt động của các công ty Glassdoor, cho rằng: "Trong bối cảnh lạm phát, những nhân viên còn trụ lại thường được yêu cầu làm nhiều việc hơn trong khi tiền lương có cảm giác ít đi nếu họ không được tăng lương hay thăng chức”.

Vì thế, khi xét ở vị trí của người lao động, làm việc "cầm chừng" dường như là một phản ứng tự nhiên với hoàn cảnh của họ.

Ngoài ra, việc sa thải nhân viên có thể sẽ không có tác dụng trong trường hợp này. Mà ngược lại, còn có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề, khi những nhân viên ở lại có thể sẽ cảm thấy chán nản vì phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc.

Làm việc "cầm chừng" vẫn đang xảy ra trên thị trường lao động. Xu hướng này sẽ kéo dài cho đến khi các công ty thực sự lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của nhân viên.

"ÂM THẦM" SA THẢI

Theo chuyên gia của Insider, "âm thầm" sa thải là khi nhà tuyển dụng không trực tiếp sa thải nhân viên mà đối xử với họ tệ đến mức làm họ muốn bỏ việc.

Nhưng theo một chương trình của kênh CBS News, "âm thầm" sa thải có thể là hành động không cố ý.

Giám đốc nghiên cứu và chiến lược của công ty tư vấn và phân tích Gallup cho biết: “Dù không phải cố tình, nhưng rất nhiều quản lý đang âm thầm sa thải nhân viên của họ khi không hỗ trợ nhân viên làm việc, phát triển và không khiến cấp dưới cảm thấy được đánh giá cao vì những đóng góp của mình”.

Cùng với tình hình kinh tế đầy biến động hiện nay, các vấn đề về nhân sự sẽ cần các doanh nghiệp phải lưu ý hơn trong năm 2023. Sự thiếu hụt nhân sự từ năm 2022 vẫn chưa kết thúc do đó tuyển dụng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn.

Dự đoán rằng các xu hướng "thầm lặng" nói trên sẽ không biến mất mà sẽ là những yếu tố định hình công tác nhân sự của các doanh nghiệp trong tương lai.

Nguồn: Vietnamplus 

>>Xem thêm: Top 3 phương pháp đánh giá hiệu suất của nhân viên