TRÁNH NGAY 4 LỖI NÀY KHI TUYỂN DỤNG VÀ SÀNG LỌC ỨNG VIÊN

Không tồn tại một tài liệu hướng dẫn nào có thể đảm bảo quá trình tuyển dụng sẽ luôn được diễn ra suôn sẻ và thành công 100%. Tuy vậy, bạn có thể giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa thông qua việc tránh được những lỗi phổ biến khi tuyển dụng và sàng lọc ứng viên.


Có lẽ điều tồi tệ mà chúng ta thường hay gặp phải khi tuyển dụng chính là sau bao công sức tìm nguồn, thu hút và cân nhắc từng hồ sơ ứng viên, kết quả nhận được lại là “tuyển sai người” và buộc phải tuyển lại từ đầu. Điều này lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Vậy nên, hôm nay hãy cùng RBox điểm qua 4 lỗi cần tránh khi tuyển dụng và sàng lọc ứng viên nhé!

sai lầm cần tránh khi tuyển dụng và sàng lọc ứng viên

1. KHÔNG CHUẨN BỊ BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC CHỈN CHU

Sai lầm cần tránh khi tuyển dụng và sàng lọc ứng viên đầu tiên phải kể đến là việc đưa một bản mô tả công việc (Job Description - JD) sơ sài vào bài đăng tuyển.

Với sự phát triển của Internet, rất dễ để ta có thể tìm được mẫu JD của mọi ngành nghề trên Google. Hiện nay có rất nhiều nhà tuyển dụng dựa vào những mẫu sẵn có này để tạo thành một bài đăng tuyển dụng, tuy nhiên việc sao chép như thế sẽ làm giảm hiệu quả tuyển dụng bởi phần lớn các JD có sẵn trên Google có nội dung rất chung chung và mơ hồ, khó mà có thể thu hút được ứng viên tiềm năng.

Vậy nên, hãy chuẩn bị một bản mô tả công việc chi tiết và chỉn chu trước khi đăng tuyển. Một JD tốt nên bao gồm phần giới thiệu ngắn về doanh nghiệp, sau đó là các nhiệm vụ công việc tổng thể, kết quả được mong đợi và cơ hội phát triển.

Đồng thời, JD cũng nên mô tả chính xác thực tế và tránh đánh bóng quá mức vị trí đang tuyển. Việc “tô hồng” sẽ giúp bạn thu hút được nhiều ứng viên, rút ngắn quy trình tuyển dụng nhưng khi đã tuyển được nhân viên, nếu công việc không “màu hồng” như mong đợi của họ thì họ sẽ sớm mất tinh thần và rời đi.

2. ĐĂNG TUYỂN KHÔNG ĐÚNG KÊNH

Lỗi phổ biến khi tuyển dụng tiếp theo đó chính là đăng tuyển không đúng kênh.

Tương tự như việc ứng viên rải CV hàng loạt cho nhiều công ty, việc nhà tuyển dụng đăng tin một cách máy móc và không có kế hoạch sẽ làm giảm hiệu quả tuyển dụng đáng kể. Vì sao lại như thế?

Đầu tiên, nếu bạn cứ mãi đăng tuyển trên những kênh thường dùng thì bạn sẽ thu hút cùng một đối tượng hết lần này đến lần khác. Ngược lại, nếu như bạn “rải” tin tuyển dụng rộng khắp các kênh mà không có sự nghiên cứu kĩ càng thì bạn sẽ dễ lãng phí thời gian trên các nền tảng không phù hợp.

Vậy làm sao để có thể xác định đúng kênh đăng tuyển?

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để tránh mắc phải sai lầm khi chọn kênh đăng tin tuyển dụng:

  • Thứ nhất, xem xét lại các kênh tuyển dụng nhân viên mà bạn đã chọn trước đây và xác định những kênh tuyển dụng hiệu quả nhất để tập trung vào chúng sau này.
  • Thứ hai, bạn có thể xem xét đến việc thiết lập một chính sách giới thiệu nhân viên nội bộ.
  • Thứ ba, hãy tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm những ứng viên vốn đã quan tâm đến doanh nghiệp của bạn.
  • Thứ tư, tìm hiểu và nghiên cứu xem liệu những ứng viên tiềm năng của bạn có khả năng tìm kiếm việc làm ở đâu. Giả sử, nếu bạn đang tuyển dụng các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm, hãy kết nối với các trường đại học và các tổ chức sinh viên để tìm nguồn ứng viên mới tốt nghiệp.
  • Cuối cùng, hãy tiếp cận những ứng viên thụ động – những người có đủ năng lực nhưng không chủ động tìm kiếm một vai trò mới. Rất khó để xác định nguồn ứng viên và tuyển dụng đối tượng này vì họ vốn đang hài lòng với công việc của mình, vì vậy hãy cân nhắc sử dụng dịch vụ tuyển dụng.

3. DÙNG CẢM TÍNH ĐỂ TUYỂN DỤNG

Tuyển dụng theo cảm tính là sai lầm tiếp theo mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng nên tránh để không tạo nên sự phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng và sàng lọc ứng viên.

Khi tìm thấy một ứng viên có cùng địa vị, tuổi tác, giới tính hoặc tôn giáo, chúng ta thường dễ hành động theo cảm tính và tạo ra sự thiên vị. Trong khi mỗi doanh nghiệp đều cần có những quan điểm đa chiều để có thể đổi mới và vươn đến tầm cao mới, thì việc tuyển dụng theo cảm tính sẽ gây tác động lớn đến sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc. 

Do đó, để tránh mắc phải sai lầm này, bạn hãy xây dựng biểu mẫu hướng dẫn và đánh giá cụ thể để thu thập dữ liệu đáng tin cậy hơn về từng ứng viên, từ đó bám sát mô tả công việc để xem họ có đủ tiêu chuẩn hay không. Đồng thời, bạn cũng nên sắp xếp nội dung cuộc phỏng vấn với các câu hỏi về hành vi để đánh giá xem họ có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không, cũng như sử dụng các công cụ đánh giá ứng viên để kiểm tra năng lực của họ. Qua đó tiến hành kiểm tra tham chiếu để xác minh khả năng thật sự của họ.

4. KỲ VỌNG TÌM ĐƯỢC MỘT ỨNG VIÊN HOÀN HẢO

Có phải bạn đang tìm kiếm một ứng viên có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của bạn về bằng cấp, phù hợp với văn hóa làm việc và có thể xử lý công việc ngay lập tức mà không cần đào tạo thêm?

Thực tế mà nói, việc tìm kiếm những ứng viên hoàn hảo sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến tình hình hoạt động của công ty. Bởi trong khi chờ đợi “ứng viên trong mơ” xuất hiện, công ty bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong một khoảng thời gian dài và khối lượng công việc sẽ đè nặng lên đội ngũ nhân viên hiện tại. Việc phải làm việc quá sức dần dần sẽ khiến họ mệt mỏi và giảm năng suất làm việc.

Do đó, thay vì chờ đời đợi ứng viên hoàn hảo, hãy cân nhắc những người có thể đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm cần thiết cho vị trí bạn đang tuyển. Với kinh nghiệm dày dặn, họ có thể nhanh chóng tiếp thu các kỹ năng cụ thể cho từng công việc và hòa nhập với bộ phận làm việc.

5. LỜI KẾT 

Quá trình tuyển dụng và sàng lọc ứng viên quả thực là một quá trình đầy thách thức. Hy vọng thông qua bài viết trên sẽ giúp bạn nhận biết được 4 sai lầm phổ biến trong tuyển dụng và sàng lọc ứng viên, để từ đó cải thiện hiệu quả và tránh được những rủi ro không đáng có. Vậy nên nếu bạn cảm thấy việc tuyển dụng của mình đang không hiệu quả, hãy dành thời gian để xem xét lại quy trình và điều chỉnh lại để tối ưu kết quả nhé.

>> Xem thêm: 8 Bước để xây dựng chiến lược tuyển dụng thông minh

Nguồn: Adecco