Shift Shock: Nguyên nhân khiến Gen Z rời bỏ công việc và cách HR cần ứng phó

Gen Z, mặc dù được kỳ vọng cao về khả năng phát triển cá nhân và văn hóa doanh nghiệp, nhưng dễ bị tác động nếu không được đáp ứng đầy đủ. Và thế là "Shift Shock" trở thành một lý do phổ biến khiến nhân sự Gen Z quyết định rời bỏ công việc. 

Shift shock là gì?

"Shift Shock" là cảm giác tiêu cực thường xảy ra khi nhân viên bắt đầu một công việc mới nhưng nhanh chóng nhận ra thực tế công việc khác biệt đáng kể so với những kỳ vọng ban đầu. Sự bất nhất giữa mô tả công việc và thực tế làm việc thường dẫn đến trạng thái thất vọng, tạo nên một dạng "sốc văn hóa" khiến người lao động cảm thấy không thoải mái.

Hiện tượng đặc biệt này gắn liền với xu hướng nhảy việc gia tăng sau thời kỳ đại dịch, khi mà nhiều người lao động tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, sự cường điệu trong việc mô tả công việc hoặc quyền lợi từ phía nhà tuyển dụng lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến "Shift Shock".

Theo khảo sát từ The Muse, có đến 72% người lao động thừa nhận từng trải qua cảm giác này. Đáng chú ý, 41% trong số đó sẵn sàng tìm việc khác nếu gặp phải "Shift Shock", trong khi 48% cân nhắc quay lại công việc cũ nếu môi trường làm việc mới không đáp ứng được kỳ vọng.

Nguyên nhân dẫn đến "Shift Shock"

"Shift Shock" thường xuất hiện khi kỳ vọng của nhân viên không được đáp ứng. Gen Z - thế hệ lớn lên trong môi trường linh hoạt và đổi mới - đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi môi trường làm việc thiếu sự minh bạch hoặc không đáp ứng mong muốn của họ.

Những nguyên nhân chính gây ra "Shift Shock" bao gồm:

  • Thiếu minh bạch trong quá trình tuyển dụng: Mô tả công việc không rõ ràng, hoặc văn hóa doanh nghiệp bị thổi phồng quá mức. Điều này tạo nên sự chênh lệch lớn giữa kỳ vọng và thực tế làm việc.
  • Hành vi không phù hợp từ quản lý: Môi trường làm việc thiếu tôn trọng hoặc cạnh tranh độc hại, xuất phát từ phong cách lãnh đạo tiêu cực, cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng "Shift Shock."

Giải pháp cho HR để giảm thiểu "Shift Shock" trong doanh nghiệp

Minh bạch với ứng viên ngay từ đầu

Để ngăn ngừa “Shift Shock”, HR cần cung cấp thông tin trung thực về công việc và văn hóa doanh nghiệp cho ứng viên. Điều này bao gồm việc trình bày rõ ràng không chỉ những lợi ích mà còn cả thách thức của vai trò, giúp ứng viên có cái nhìn toàn diện trước khi gia nhập.

Đặt trách nhiệm rõ ràng cho nhà quản lý

Môi trường làm việc độc hại thường bắt nguồn từ cách quản lý thiếu chuyên nghiệp. HR cần đảm bảo rằng đội ngũ quản lý được đào tạo để xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và xử lý các vấn đề nội bộ một cách tích cực. Loại bỏ những hành vi không phù hợp từ cả quản lý và nhân viên là cách hiệu quả để giảm nguy cơ “Shift Shock”.

Xây dựng chính sách đa dạng và công bằng

Đa dạng hóa đội ngũ và đảm bảo sự công bằng là yếu tố quan trọng trong việc giảm xung đột văn hóa – một nguyên nhân chính gây ra “Shift Shock”. HR nên triển khai các chương trình đào tạo về đa dạng, thúc đẩy thu nhập công bằng và xây dựng văn hóa hòa nhập để tạo điều kiện phát triển cho tất cả nhân viên.

Tăng cường tính linh hoạt trong công việc

Với Gen Z, sự linh hoạt trong công việc, bao gồm cả chính sách làm việc từ xa, đóng vai trò quan trọng. HR cần phát triển các chính sách rõ ràng, hỗ trợ công cụ cần thiết và tạo sự kết nối liên tục giữa các nhóm làm việc để đảm bảo hiệu suất cao và đáp ứng mong đợi của nhân viên trẻ.

Giảm thiểu “Shift Shock” không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của bộ phận nhân sự mà còn là cơ hội để doanh nghiệp chứng minh khả năng thích nghi và linh hoạt trước những thách thức mới. Khi HR hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các giải pháp phù hợp, doanh nghiệp không chỉ hạn chế tình trạng này mà còn xây dựng được môi trường làm việc tích cực, tạo điều kiện cho nhân sự Gen Z phát triển và gắn bó lâu dài.

>> Xem thêm: “Poly-Employment” – xu hướng làm việc trong năm 2024