Kiểm chứng thông qua mạng xã hội, quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên khi phỏng vấn và kiểm tra tham chiếu từ công ty cũ chính là những cách hiệu quả để xác thực thông tin trên CV.
Tình trạng ứng viên “chế biến” lại CV của mình nhằm thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng khá phổ biến hiện nay. Sự không thành thật của ứng viên trong CV đã gây ra không ít khó khăn cho nhà tuyển dụng trong quá trình sàng lọc và dẫn đến việc tuyển “nhầm” những ứng viên không đạt yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra.
Liên đoàn Tuyển dụng và Việc làm tại Mỹ (REC) cho biết, việc doanh nghiệp nhận một ứng viên không thỏa yêu cầu có thể gây ra thiệt hại gấp 3 lần mức lương hàng năm mà họ trả cho nhân viên đó. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy doanh nghiệp tốn trung bình 14.900 USD ngân sách nếu nhân viên không đạt yêu cầu.
Vậy nên, để tránh các tác động tiêu cực trên, hãy cùng RBox tìm hiểu 3 bộ lọc CV ứng viên mà nhà tuyển dụng nên biết trong quá trình sàng lọc thông qua bài viết dưới đây nhé.
Đối với những thông tin khó kiểm chứng chính xác như mức lương, thời gian và vị trí làm việc, nhà tuyển dụng có thể xác thực dựa vào các trang mạng xã hội mà ứng viên cung cấp trong CV. Thông qua mạng xã hội, nhà tuyển dụng sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về tính cách, thông tin các vị trí việc làm trước đó cũng như mối quan hệ của ứng viên đối với doanh nghiệp cũ.
Quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên trong buổi phỏng vấn cũng là một cách hiệu quả để nhà tuyển dụng “bắt bài” ứng viên. Nếu ứng viên có biểu hiện lo lắng, ấp úng, hay liếm môi hoặc né tránh ánh mắt nhà tuyển dụng thì khả năng cao họ đã không thành thật với những thông tin ghi trong CV.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có thể sử dụng phương pháp phỏng vấn theo năng lực CBI với 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và thái độ để kiểm chứng kinh nghiệm thực tế của ứng viên. Ví dụ, với thông tin mà ứng viên đưa ra trong CV là “có khả năng chịu áp lực cao”, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên nêu ra những cách xử lý áp lực cụ thể mà họ đã từng áp dụng trước đây.
Kiểm tra tham chiếu (Reference check) thông qua liên hệ với trường học, quản lý cũ hoặc đồng nghiệp cũ mà ứng viên cung cấp cũng là một bộ lọc quan trọng. Tuy trong CV đa số ứng viên đã “sàng lọc” người tham chiếu, nhưng nhà tuyển dụng vẫn có thể kiểm tra được thời gian làm việc, vị trí và bằng cấp mà ứng viên đề cập trong lý lịch.
Thông qua kiểm tra tham chiếu, nhà tuyển dụng sẽ có thể khai thác thông tin trong CV ứng viên một cách trọn vẹn hơn, từ đó xác định được ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp. Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng quá trình kiểm tra tham chiếu này có thể tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực HR nội bộ. Vậy nên, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ nhân sự như kiểm tra và đối chiếu thông tin ứng viên từ bên thứ 3 để giảm chi phí và rút ngắn thời gian tuyển dụng.
Bên cạnh đó, với nhu cầu tuyển dụng lớn, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng giải pháp nhân sự thuê ngoài để tăng tốc độ hoàn thành chỉ tiêu tuyển dụng với những hồ sơ chất lượng.
Nhân sự thuê ngoài hiện là xu hướng được nhiều doanh nghiệp quốc tế sử dụng để tối ưu chi phí và nguồn lực, giảm bớt áp lực cho bộ phận nhân sự nội bộ.
Theo Zing News