5 Lưu ý khi đào tạo tại chỗ cho nhân viên

Các chương trình đào tạo tại chỗ (OJT) được xem là một phương pháp hữu ích giúp doanh nghiệp phát triển kỹ năng và giữ chân nhân viên. Vậy làm thế nào đế áp dụng đào tạo tại chỗ hiệu quả, hãy cùng Career Box tìm hiểu ngay nhé!

phương pháp đào tạo tại chỗ

Trước bối cảnh tuyển dụng nhân sự cạnh tranh hiện nay, hầu như các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên đủ tiêu chuẩn. Chính vì lẽ đó mà việc giữ chân nhân viên đã trở thành ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong thời gian gần đây (theo báo cáo từ HR Reporter).

Để có thể thực hiện tốt điều trên, bên cạnh các chiến lược quản lý nhân sự phù hợp, các chương trình đào tạo tại chỗ (OJT) được xem là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất.

ĐÀO TẠO TẠI CHỖ LÀ GÌ?

Đào tạo tại chỗ (on-the-job training - OJT) là phương pháp kèm cặp, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nhân viên. Nhân viên sẽ được học những gì họ cần và thực hành chúng ngay tại môi trường làm việc.

Đào tạo tại chỗ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp và tổ chức. Tuy được xem là cách hiệu quả để giữ chân nhân viên, song phương pháp này lại tồn tại một số thách thức đối với doanh nghiệp.

Dưới đây là lưu ý về 5 thách thức phổ biến cùng hướng khắc phục để giúp doanh nghiệp vượt qua chúng. Hãy cùng Career Box điểm ngay qua nhé!

1. THỜI GIAN

Các chương trình đào tạo tại chỗ cần có thời gian trong quá trình thực hiện. Đây là một lợi thế rất lớn cho nhân viên rằng họ có thể thực hành trong môi trường làm việc thực tế. Tuy nhiên, đây cũng là một nhược điểm của phương pháp này, bởi trong qua trình học nhân viên vẫn có vẫn có thể nghe, nhìn và chịu tác động từ các yếu tố môi trường làm việc xung quanh, và điều này có thể gây xao lãng việc tiếp thu của họ.

Hướng khắc phục: Trên thực tế, không có quy tắc nào bắt buộc rằng toàn bộ quá trình đào tạo tại chỗ phải được tiến hành trong môi trường làm việc thực tế. Doanh nghiệp có thể chia thời gian đào tại chỗ thành ba giai đoạn: 

  • Hướng dẫn 
  • Thực hành
  • Kiểm tra mức độ hiểu và vận dụng.

Với mỗi giai đoạn, doanh nghiệp có thể sắp xếp địa điểm đào tạo sao cho phù hợp nhất. Chẳng hạn như với giai đoạn kiểm tra mức độ hiểu biết thì nên được thực hiện tại môi trường làm việc. Còn với các giai đoạn hướng dẫn và thực hành thì có thể được tiến hành trong môi trường kết hợp giữa lớp học và nơi làm việc.  

2. CHUYÊN GIA ĐÀO TẠO

Nội dung của đào tạo tại chỗ thường là đào tạo về mặt kỹ năng, kỹ thuật, do đó việc đào tạo cần được thực hiện bởi các chuyên gia về các lĩnh vực tương ứng. Điều đó nghĩa là nội bộ doanh nghiệp cần phải có những nhân sự đủ tiêu chuẩn để có thể tiến hành đào tạo. Thế nên, nếu công ty không có chuyên viên đào tạo hoặc chuyên viên ấy thiếu kỹ năng đào tạo, thì hoạt động đào tạo sẽ gặp bất lợi. 

Hướng khắc phục: Chương trình đào tạo tại chỗ chỉ tốt khi doanh nghiệp có những chuyên gia đào tạo tốt. Vậy nên trong quá trình lập kế hoạch, doanh nghiệp cần xác định được những nhân viên có hiệu suất cao bởi những người này thường có tiềm năng trở thành những chuyên gia đào tạo tuyệt vời. Sau đó hãy hỏi xem họ có đảm nhận trách nhiệm đào tạo không, và khi họ “say yes” hãy trang bị cho họ kỹ năng đào tạo cần thiết để họ để hoàn thành tốt vai trò của mình. 

3. NĂNG SUẤT

Hãy hiểu rằng thời gian và môi trường là chìa khóa của đào tạo tại chỗ. Cũng giống như thách thức về thời gian, việc tiến hành đào tạo trong khung giờ làm việc cao điểm của công ty sẽ dễ làm giảm năng suất của tổ chức lẫn các cá nhân tham gia hoạt động đào tạo. 

Hướng khắc phục: Tương tự như trên, không có quy tắc nào bắt buộc rằng tất cả các khóa đào tạo tại chỗ phải được thực hiện trong khung giờ làm việc cao điểm của công ty. Doanh nghiệp có thể điều chỉnh lịch trình của các nhân viên đang tham gia quá trình đào tạo sao cho hợp lí. Và khôi phục lại giờ làm việc bình thường của họ sau khi chương trình đào tạo kết thúc. 

4. LỖI

Thực hành, mắc lỗi và sửa chữa luôn là một phần của bất kỳ quá trình học tập nào. Và với hoạt động đào tạo tại chỗ tại doanh nghiệp, điều này cũng không ngoại lệ.

Việc sửa lỗi có thể là một trải nghiệm học tập tuyệt vời cho nhân viên. Tuy nhiên, khi thực hành tại môi trường làm việc thực tế, nếu quá trình mắc lỗi - sửa chữa của nhân viên diễn ra quá thường xuyên thì chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực năng suất và gây lãng phí nguồn lực của công ty. Bởi trong một số ngành đòi hỏi sự chính xác cao, một sai lầm diễn ra, dù là rất nhỏ, vẫn có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng và khiến doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian để khắc phục, sửa chữa. 

Hướng khắc phục: Trong quá trình lập kế hoạch đào tạo, doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn một số phương án khắc phục nhanh khi nhân viên mắc lỗi, hoặc các hướng dẫn để nhân viên loại bỏ các sai lầm không cần thiết trong quá trình thực hành.

5. TÍNH NHẤT QUÁN

Có một lầm tưởng khá phổ biến rằng các chương trình đào tạo tại chỗ là hoạt động đào tạo không chính thức. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi các chương trình đào tạo tại chỗ cũng cần phải có cấu trúc chặt chẽ như các phương pháp đào tạo khác. Việc áp dụng một chương trình thiếu cấu trúc vào trong giảng dạy sẽ làm mất đi tính nhất quán trong đào tạo, từ đó dẫn đến sự thiếu nhất quán về mặt hiệu suất, sản phẩm hoặc dịch vụ.  

Hướng khắc phục: Các doanh nghiệp có thể xây dựng cấu trúc và tính nhất quán trong các chương trình đào tạo tại chỗ bằng cách sử dụng các tài liệu hoặc video hướng dẫn để nhân viên có thể dễ dàng nắm bắt nội dung đào tạo và thực hành chúng.

Kết lại, đào tạo tại chỗ có thể giúp nhân viên phát triển các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc, cũng như góp phần vào việc giữ chân nhân viên của doanh nghiệp. Lợi ích của phương pháp này chính là việc nhân viên được học tập trong môi trường làm việc thực tế cùng với các chuyên gia đào tạo am hiểu về các lĩnh vực tương ứng. Tất cả những gì mà doanh nghiệp cần làm để quá trình đào tạo đạt được hiệu quả cao là sự chuẩn bị chỉn chu các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho việc đào tạo tại chỗ.

Theo HR Bartender

>> Xem thêm: 10 Mẹo quản lý nhân sự cho doanh nghiệp SMEs