Nhiều ứng viên không khỏi cảm thấy hoang mang, lo lắng khi nhà tuyển dụng im lặng, không đưa ra câu trả lời. Đây là tình trạng mà nhiều người lao động đang gặp sau khi phỏng vấn.
Việc nhà tuyển dụng im lặng, không đưa ra thông báo là một trong những nguyên nhân gây thất vọng cho ứng viên. Liệu đây có phải là một "bài kiểm tra" ngầm để đánh giá sự kiên nhẫn và quyết tâm của họ? Có người cho rằng đó là cách để "gây khó dễ" cho ứng viên, trong khi người khác lại nghĩ rằng nhà tuyển dụng đang "xem xét kỹ lưỡng" hơn về mình.
Kết quả khảo sát trên Fanpage Brands VietNam đã hé lộ một thực tế đáng ngạc nhiên: Khi đối mặt với việc nhà tuyển dụng im lặng sau phỏng vấn, đa số ứng viên lại chọn cách "bó tay chịu trận". Khi mà trong số hơn 2.000 người tham gia khảo sát, có 55% lựa chọn cách im lặng cho qua, 33% chọn gửi email hỏi thăm, 7% chọn gọi điện cho bộ phận nhân sự, và 3% chọn đến công ty hỏi trực tiếp.
Điều gì khiến nhiều người lại chọn cách im lặng như vậy?
Chị Diễm, 22 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, là một trong những người đã tham gia cuộc khảo sát và chọn cách im lặng chờ đợi kết quả phỏng vấn. Gần đây, chị đã có buổi phỏng vấn tại một công ty truyền thông và được hứa hẹn sẽ nhận được phản hồi trong vòng một tuần.
Mỗi ngày trôi qua, sự lo lắng trong chị Diễm càng lớn dần. Việc nhà tuyển dụng im lặng khiến chị như ngồi trên đống lửa. Chị không ngừng tự hỏi liệu mình đã làm sai điều gì đó hay chưa. Hình ảnh buổi phỏng vấn cứ ám ảnh chị, khiến chị không sao ngủ yên.
"Tôi đang cố gắng giữ một tâm trạng thoải mái và không quá đặt nặng vào kết quả. Tôi hiểu rằng việc chờ đợi có thể khó khăn, nhưng tôi tin rằng mọi thứ sẽ sớm sáng tỏ. Thay vì liên tục kiểm tra email, tôi sẽ im lặng và chờ đợi để tránh bị cho là hấp tấp. Bị lẫn lộn trong nhiều cảm xúc như vậy, tôi quyết định chọn im lặng cho qua. Hầu hết bạn bè của tôi đều trải qua tình huống tương tự và họ chọn cách im lặng, tự xem như mình đã không thành công.”
Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Thanh Trúc (23 tuổi, sống ở TP.HCM) lại cho rằng, việc nhà tuyển dụng im lặng sau phỏng vấn không chỉ khiến ứng viên cảm thấy thất vọng mà còn phản ánh văn hóa làm việc thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp đó.
"Tôi cho rằng cả người tìm việc và người tuyển dụng đều xứng đáng được đối xử công bằng. Vì vậy, việc nhận được phản hồi về kết quả ứng tuyển là điều tối thiểu mà mỗi ứng viên nên được hưởng.", chị Trúc khẳng định.
Chị Hoàng Mai (24 tuổi, TP. HCM) cho biết sẽ chủ động liên hệ với công ty nếu nhà tuyển dụng im lặng, không đưa ra phản hồi trong thời gian sớm. Bên cạnh đó, chị cũng sẽ không ngừng nỗ lực tìm kiếm những cơ hội khác.
"Tôi cho rằng, ứng viên hoàn toàn có quyền được biết thông tin về tiến độ tuyển dụng và nên chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng để cập nhật. Đó là cách để tôi thể hiện sự quan tâm và mong muốn được trở thành một phần của công ty. Tôi tin rằng, sự tự tin và thái độ tích cực sẽ giúp tôi tạo được ấn tượng tốt.", chị Mai chia sẻ.
Sau khi đã cố gắng liên hệ nhưng không nhận được phản hồi, chị sẽ quyết định tìm kiếm những cơ hội mới để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào tốt hơn.
Chị Hồng, quản lý của một công ty tổ chức sự kiện tại TP.HCM, chia sẻ: "Quá trình tuyển dụng không chỉ là một cuộc đua. Chúng tôi cần thời gian để đánh giá kỹ lưỡng các ứng viên, không chỉ về kỹ năng mà còn về sự phù hợp với văn hóa công ty. Việc tuyển dụng một người tài năng là một đầu tư lâu dài. Vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo đưa ra quyết định đúng đắn nhất."
Chị Hồng khuyến khích ứng viên tự mình liên hệ với bộ phận nhân sự để nắm bắt tình hình. Hành động này không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn giúp ứng viên hiểu rõ hơn về quá trình tuyển dụng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhà tuyển dụng.
Chị Hồng đề xuất: "Nếu sau thời gian dự kiến vẫn chưa có phản hồi, ứng viên nên chủ động liên hệ lại qua email hoặc điện thoại với bộ phận nhân sự. Việc này giúp công ty nhận thấy bạn thực sự nghiêm túc và quan tâm đến vị trí ứng tuyển."
Chị Hồng khuyên rằng: "Chúng ta nên giữ thái độ chuyên nghiệp trong mọi tình huống. Việc chia sẻ những trải nghiệm tiêu cực lên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh cá nhân và không tôn trọng quyết định của nhà tuyển dụng."
Theo chị Hồng, sự kiên trì là yếu tố không thể thiếu để thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đừng vội bỏ cuộc giữa chừng. Hãy lạc quan rằng cơ hội tốt vẫn đang chờ bạn, và có thể nhờ không trúng tuyển lần này, bạn sẽ gặp được một công ty khác phù hợp hơn. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể nâng cao năng lực của mình bằng cách học thêm về chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng khác. Hãy luôn chuẩn bị phương án dự phòng để không bị rơi vào thế bị động.
>> Xem thêm: Việc xem thường nhân viên ảnh hưởng như thế nào?